Những lý do chính khiến giá Bitcoin bất ổn Q2/2022

bitcoin giam gia

Từ những vấn đề kinh tế vĩ mô tới bất ổn về thị trường tài chính và chứng khoán Mỹ đã có tác động làm thị trường đảo chiều. Giá Bitcoin đi xuống kéo theo nhiều công ty trong ngành điêu đứng. Bitcoin đã có một quý hoạt động cực tệ hại trong hơn 10 năm qua, lần đầu tiên giá đã giảm tới 58% trong một quỹ, vốn hóa bốc hơi hơn 1.2 nghìn tỷ đô. Kể từ mức đỉnh thiết lập hồi 11/2021 giá đã trượt hơn 70%. Có nhiều nguyên nhân nhưng dưới đây là những nguyên nhân chính có tác động sâu rộng tới giá cả của Bitcoin trong thời gian nửa năm qua.

Kinh tế vĩ mô đảo chiều

Kinh tế Mỹ nói chung đã giảm khi phản ánh rõ rệt nhất trên thị trường chứng khoán, đặc biệt trong mảng công nghệ khi hàng loạt các cổ phiếu công nghệ từ Google, Apple, Facebook, Amazon, Tesla, Netflix đều chứng kiến mức giảm chóng mặt. Lạm phát cũng tăng lên mức đáng báo động bắt đầu từ gian đoạn sau chiến sự giữa Nga và Ukraina một tháng khiến giá dầu thế giới thoải mái “nhảy múa”. Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ đã tăng lên mức nhanh nhất kể từ năm 1981, báo cáo mới nhất cho thấy chỉ số CPI tháng 5 tại Mỹ đạt 8.6%, mức lạm phát gần như giữ nguyên khiến FED đau đầu.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 (CPI) các mặt hàng tại Mỹ. Nguồn: Cụ thống kê Lao động Mỹ.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 (CPI) các mặt hàng tại Mỹ. Nguồn: Cụ thống kê Lao động Mỹ.

Có lẽ nguyên nhân tác động sâu rộng nhất do chính sách tăng lãi suất của FED đã khiến nền kinh tế có bước tăng trưởng chậm lại, các quỹ đầu tư cũng phải đắn đo hơn giữa lợi suất trái phiếu chính phủ đang có lợi và các kênh đầu tư rủi ro như Bitcoin. Không chỉ thị trường crypto và cả thị trường chứng khoán cũng có những biến động tương tự.

Sự sụp đổ của Terra

Terra sụp đổ

Sự sụp đổ của stablecoin thuật toán TerraUSD đã khiến thị trường lao đao, từng là một stablecoin đi ngược với những lời chỉ trích về những cảnh báo rủi ro nhưng TerraUSD đã nhận được kết quả thất bại thảm hại. Việc TerraUSD sụp đổ đã kéo theo cả một hệ sinh thái Terra vốn được định giá tới gần 60 tỷ đô. Không chỉ dừng lại ở một hệ sinh thái, toàn bộ thị trường cũng biến động dữ dội sau sự kiện đó. Giá Bitcoin đã lao dốc khi kết hợp với các dấu hiệu không tốt từ tình hình kinh tế vĩ mô. Quan trọng hơn cả là có rất nhiều các quỹ đầu cơ đổ tiền vào Terra đã trắng tay, điển hình nhất là khoản đầu tư 3 triệu đô của Binance vào Terra từ những năm 2018 giờ chỉ còn vài chục nghìn đô.

Celsius gặp vấn đề về thanh khoản

Celsius, một công ty kinh doanh trong lĩnh vực tiền điện tử với mô hình gửi tài sản và nhận lãi treo chu kỳ. Celsius đã từng huy động và trả lãi với một biên độ cực lớn lên tới 18% trong thời kỳ tăng giá nửa cuối 2021. Celsius kinh doanh bằng cách cho người dùng vay lấy lãi và ăn khoản lãi suất chênh lệch.

Celsius phá sản

Tuy nhiên thực tế cho thấy công ty này còn đầu tư nhiều mảng khác, đáng chú ý nhất là sự liên quan tới Lido Staked Ether. Lido Staked Ether (stETH), một token neo tỉ lệ với ETH đại diện cho lượng ETH đã tham gia vào staking Ethereum 2.0. stETH được giao dịch đại diện cho những ETH đã tham gia vào staking trước để nhận lãi khi hệ thống Ethereum 2.0 hoàn tất cập nhật vào tháng 8 tới. Ethereum 2.0 sẽ giúp mạng blockchain này bổ sung thêm một lớp đồng thuận sử dụng cơ chế bằng chứng cổ phần (PoS) để giúp tiết kiệm chi phí và cải thiện tốc độ giao dịch. Trên nền tảng Lido Finance, nơi mà Celsius đã sử dụng lượng Ethereum nắm giữ và đưa vào staking lấy lãi và nhận token stETH. Token stETH đã mất chốt dưới 5.5% so với ETH ngay lập tức đã gây ra cuộc khủng hoảng thanh khoản.

Three Arrows Capital vỡ nợ

Three Arrows Capital vỡ nợ

Three Arrows Capital (3AC) là một quỹ đầu cơ diền điện tử từ những năm 2013 do Zhu Su và Kyle Davies thành lập, đây là một quỹ đầu tư mạo hiểm thường sử dụng những mức đòn bẩy cao trên thị trường phái sinh. Theo các nhà phân tích 3AC cũng có liên quan tới vụ sụp đổ của Terra và hứng chịu thua lỗ rất nhiều. Gần đây nhất quỹ đầu tư tiền điện tử tới từ Singapore 3AC đã vỡ nợ với một khoản vay 670 triệu đô của Voyager Digital. Khoản vay bao gồm 350 triệu đô stablecoin USDC và 15,250 BTC trị giá 323 triệu đô theo tỉ giá tại thời điểm viết bài. Không chỉ dừng lại chỉ riêng 3AC, hàng loạt các tên tuổi trong ngành có liên quan tới quỹ này cũng đang gặp vấn đề như Celsius, Genesis, BlockFi…

Xem thêm: Genesis, Celsius, BlockFi đang gặp hàng loạt vấn đề Với hàng loạt các bất ổn trong suốt nửa năm qua đã khiến giá Bitcoin giảm mạnh từ 47,000$ về mức dưới 18,000$. Hiện tại giá đang giao dịch quanh mức 19,000$ tại thời điểm viết bài.

Các nhà kinh tế đang cực kỳ lo sợ một cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ xảy đến trong thời gian tới khi mức lạm phát đã tăng tại hầu hết các nước giàu. Ngân hàng chung châu Âu ECB cũng rục rịch chuẩn bị tăng lãi suất đầu tiên sau 11 năm. Tại Mỹ FED cũng chuẩn bị tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 7 và tháng 9, theo các chuyên gia mọi thứ sẽ được đổ dồn vào chỉ số CPI tháng 6 tại Mỹ sắp được công bố, nếu mọi thứ không có biến chuyển thì chắc chắn FED sẽ tăng lãi suất.

Bitcoin được sinh ra để chống loại suy thoái, kể từ khi ra đời sau khủng hoảng năm 2008 Bitcoin chưa trải qua một cuộc suy thoái nào, không rõ liệu nếu trường hợp có suy thoái xảy ra thì giá sẽ biến động ra sao, tương lai nào cho Bitcoin.