Bitcoin là gì? Toàn tập về công nghệ, đào coin, đầu tư và tương lai

bitcoin la gi

Bitcoin là một loại tiền điện tử sử dụng giao thức P2P sẽ cho phép các khoản thanh toán được gửi trực tiếp từ bên này sang bên khác mà không cần thông qua các tổ chức tài chính trung gian. (Satoshi Nakamoto, người sáng lập ra Bitcoin đã mô tả khái niệm trong sách trắng của Bitcoin vào năm 2009).

Bitcoin là gì?

Bitcoin không chỉ là một loại tiền kỹ thuật số mà còn là một cuộc cách mạng trong cách chúng ta hiểu về tiền tệ và tài chính. Ra đời vào năm 2009 bởi một cá nhân hoặc nhóm ẩn danh dưới bút danh Satoshi Nakamoto.

Định nghĩa Bitcoin

Bitcoin là một loại tiền điện tử (cryptocurrency) phi tập trung, được tạo ra và quản lý thông qua mạng lưới blockchain. Bitcoin không chịu sự kiểm soát của bất kỳ ngân hàng trung ương hoặc tổ chức tài chính nào, mà được vận hành bởi một mạng lưới các máy tính (hay “node”) trên khắp thế giới.

Mạng blockchain Bitcoin chứa một sổ cái kỹ thuật số công khai, để ghi lại tất cả các giao dịch mà không cần sự tham gia của bên thứ ba. Mỗi giao dịch được xác thực thông qua một quá trình gọi là đào, sau khi được xác thực, các giao dịch này sẽ được gộp vào các “block” và lưu trữ vĩnh viễn trên blockchain.

Điểm nổi bật của Bitcoin là tính phi tập trung và an toàn, nhờ vào cơ chế đồng thuận Proof of Work và thuật toán SHA-256 biến Bitcoin thành đồng tiền điện tử số một hiện nay.

Lịch sử ra đời của Bitcoin

Bitcoin được sáng lập bởi một cá nhân hoặc nhóm người ẩn danh mang tên Satoshi Nakamoto, vào năm 2008, qua việc phát hành một bài báo có tên Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System. Bài báo này trình bày một hệ thống thanh toán điện tử không cần đến bên trung gian, không bị kiểm soát bởi ngân hàng hay tổ chức tài chính nào.

Sách trắng Bitcoin ra đời sau khủng hoảng kinh tế 2008.

Ngày 3 tháng 1 năm 2009, Bitcoin chính thức được khai thác lần đầu tiên với việc tạo ra block đầu tiên, được gọi là Genesis Block. Khối này chứa một tin nhắn ẩn có nội dung:
“The Times 03/Jan/2009 Chancellor on brink of second bailout for banks”, ám chỉ sự khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự bất tín nhiệm đối với các ngân hàng truyền thống.

Satoshi Nakamoto đã khai thác Bitcoin đầu tiên và gửi một số lượng nhỏ Bitcoin cho người đầu tiên sử dụng mạng lưới, Hal Finney là một kỹ sư máy tính, nhà mật mã học nổi tiếng người Mỹ.

Ai là người tạo ra Bitcoin?

Bitcoin được tạo ra bởi một người hoặc một nhóm người có tên là Satoshi Nakamoto. Tuy nhiên, danh tính thật sự của Satoshi Nakamoto vẫn là một bí ẩn, và cho đến nay, không ai biết chính xác là ai đứng sau cái tên này.

Có rất nhiều lời đồn đại như phải có một nhóm người đứng sau vì dựa trên sự phức tạp và tính toán kỹ lưỡng của mã nguồn Bitcoin cho thấy Bitcoin không phải tạo ra bởi một trò đùa cho giới ngân hàng.

Ai thực sự mới là Satoshi Nakamoto?

Một giả thuyết phổ biến là Nick Szabo, một nhà mật mã học nổi tiếng và là người phát triển Bit Gold (một hệ thống tiền tệ số tiền thân của Bitcoin), có thể là Satoshi Nakamoto. Tuy nhiên, Szabo đã bác bỏ điều này.

Một người khác được cho là có thể là Satoshi Nakamoto là Hal Finney, một lập trình viên Bitcoin sớm và là người nhận Bitcoin đầu tiên từ Satoshi Nakamoto. Tuy nhiên, Hal Finney lúc còn sống cũng đã phủ nhận mình là Satoshi.

Sau khi tạo ra và phát triển Bitcoin trong những năm đầu tiên, Satoshi Nakamoto dường như đã rút lui khỏi cộng đồng và không còn liên lạc từ năm 2011.

Mục tiêu ban đầu của Bitcoin

Mục tiêu ban đầu của Bitcoin là tạo ra một hệ thống tiền tệ kỹ thuật số phi tập trung, không cần trung gian như ngân hàng hay các tổ chức tài chính, giúp người dùng thực hiện giao dịch trực tiếp, an toàn và hiệu quả. Đầu tiên, Bitcoin được thiết kế để phi tập trung hoàn toàn, không chịu sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan hay tổ chức nào.

Thứ hai, bảo mật và tính minh bạch là một yếu tố quan trọng, với công nghệ blockchain giúp bảo vệ dữ liệu và giao dịch. Cuối cùng, Bitcoin mong muốn cung cấp một hệ thống tiền tệ không biên giới, cho phép mọi người thực hiện giao dịch trên toàn cầu mà không bị giới hạn bởi các quy định tài chính.

Nền tảng cốt lõi của Bitcoin

Bitcoin không chỉ là một loại tiền kỹ thuật số, mà còn là một hệ thống kinh tế phi tập trung vận hành dựa trên các nguyên tắc mã nguồn mở, bảo mật và minh bạch. Những thành phần chính gồm mạng blockchain phân mảnh cùng thuật toán Proof of Work.

Blockchain là gì?

Blockchain là một công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger Technology – DLT) cho phép lưu trữ dữ liệu một cách an toàn, minh bạch và không thể thay đổi. Thay vì sử dụng một máy chủ trung tâm, blockchain hoạt động dựa trên mạng lưới phi tập trung, trong đó mỗi giao dịch được xác minh bởi nhiều nút (nodes) trước khi được thêm vào chuỗi.

Blockchain được tạo thành từ các khối (blocks), mỗi khối chứa dữ liệu giao dịch: Bao gồm thông tin như số lượng Bitcoin được gửi, địa chỉ của người gửi và người nhận. Mã hash của khối trước đó sẽ liên kết các khối lại với nhau, tạo thành một chuỗi khối liên tục được tạo bằng thuật toán mã hóa SHA-256.

Thuật toán SHA-256 và bảo mật Bitcoin

Bitcoin sử dụng thuật toán mã hóa SHA-256 (Secure Hash Algorithm 256-bit) để bảo vệ dữ liệu giao dịch và đảm bảo tính an toàn mạng lưới. Đây là một thuật toán mã hóa một chiều do Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) phát triển, giúp Bitcoin duy trì độ bảo mật cao và chống lại các cuộc tấn công từ tin tặc.

Sha-256 giúp mã hoá an toàn và không thể dịch ngược.

SHA-256 là một thuật toán băm (hash function), nghĩa là nó chuyển đổi một đầu vào (dữ liệu giao dịch) thành một chuỗi ký tự có độ dài cố định 256 bit (64 ký tự hex). Bất kỳ thay đổi nhỏ nào trong dữ liệu đầu vào sẽ tạo ra một kết quả hoàn toàn khác.

Ví dụ khi mã hoá dòng chữ: Bitcoin là gì? Sẽ cho kết quả:

3986f9867f1744234a9bc1c3f2dcf6f12b89c2838ae11dd62bb8eb13ddae0b1b

và đương nhiên sẽ không thể đảo ngược quá trình này để tìm lại dữ liệu gốc.

Cơ chế đồng thuận Proof of Work (PoW)

Proof of Work (PoW) là cơ chế đồng thuận của Bitcoin, giúp xác minh giao dịch và bảo vệ mạng lưới khỏi gian lận. Thợ đào cạnh tranh nhau để giải bài toán mật mã bằng thuật toán SHA-256, khối hợp lệ sẽ được thêm vào blockchain và người chiến thắng nhận phần thưởng.

PoW giúp Bitcoin an toàn nhờ tính chống gian lận, chống tấn công 51%, và phi tập trung, nhưng cũng có nhược điểm như tiêu tốn nhiều năng lượng, yêu cầu phần cứng mạnh, và tốc độ giao dịch chậm hơn so với một số cơ chế đồng thuận khác.

Mạng lưới Bitcoin hoạt động như thế nào?

Cách mà mạng lưới Bitcoin hoạt động.

Bitcoin hoạt động trên một mạng ngang hàng phi tập trung, nơi các giao dịch được xác thực bởi thợ đào và lưu trữ vĩnh viễn trên blockchain. Mỗi giao dịch mới được phát tán khắp mạng, được kiểm tra tính hợp lệ, sau đó gộp vào khối và thêm vào blockchain thông qua cơ chế Proof of Work (PoW).

Để hiểu rõ cách hoạt động của mạng Bitcoin, chúng ta cần nắm các khái niệm quan trọng sau:

Merkle Tree

Merkle Tree là một cấu trúc dữ liệu giúp tóm tắt, kiểm tra tính toàn vẹn và bảo mật của các giao dịch trong một khối. Nó hoạt động theo nguyên tắc băm đôi (hashing) các giao dịch liên tiếp cho đến khi tạo ra một giá trị duy nhất gọi là Merkle Root – giá trị này được lưu trong tiêu đề khối (block header).

UTXO

UTXO (Unspent Transaction Output) là mô hình dữ liệu giúp Bitcoin theo dõi số dư ví một cách phi tập trung. Khi một giao dịch Bitcoin diễn ra, số BTC từ người gửi không bị trừ trực tiếp mà được “chia nhỏ” thành đầu ra chưa sử dụng (UTXO). Những UTXO này trở thành đầu vào của giao dịch tiếp theo.

Orphan Block, Stale Block

Orphan Block (Khối mồ côi): Là khối hợp lệ nhưng không được chấp nhận vào blockchain chính do không có thông tin về khối cha của nó (có thể do kết nối mạng kém hoặc tấn công).

Stale Block (Khối lỗi thời): Là khối hợp lệ nhưng bị loại khỏi blockchain vì một nhánh khác có nhiều bằng chứng công việc hơn (PoW mạnh hơn).

BIP

BIP (Bitcoin Improvement Proposal) là đề xuất cải tiến Bitcoin do cộng đồng đưa ra nhằm nâng cấp hoặc sửa đổi giao thức Bitcoin. Tính đến nay có rất nhiều BIP lớn phải kể tới như:

  • BIP9 (Cơ chế kích hoạt nâng cấp mềm (Soft Fork) bằng sự đồng thuận từ thợ đào)
  • BIP 32: Hệ thống tạo ví Bitcoin HD (Hierarchical Deterministic).
  • BIP 141: Đề xuất Segregated Witness (SegWit) để giảm kích thước giao dịch và tăng khả năng mở rộng.
  • BIP 39: Đề xuất giúp tạo và khôi phục ví Bitcoin bằng một cụm từ ghi nhớ (mnemonic phrase) gồm 12-24 từ.

Cách giao dịch Bitcoin hoạt động

Giao dịch Bitcoin là quá trình chuyển giao quyền sở hữu đồng BTC từ ví này sang ví khác thông qua mạng. Mỗi giao dịch đều cần được ký bằng khóa riêng tư (private-key), sau đó gửi đến các node để xác thực bởi thợ đào. Khi giao dịch được xác minh và ghi vào block nó sẽ ở vĩnh viễn trên blockchain.

Quá trình xác nhận giao dịch Bitcoin

Khi một giao dịch Bitcoin được tạo ra, nó sẽ được truyền đến mạng lưới các node để kiểm tra tính hợp lệ. Nếu hợp lệ, giao dịch sẽ được đưa vào mempool (hay memory pool, khác với công ty mempool.space). Bạn có thể thấy các mempool là nơi chứa các giao dịch chuẩn bị cho block tiếp theo được khai thác.

Để block này được ghi nhận vào blockchain, thợ đào phải thực hiện công việc tính toán phức tạp theo thuật toán Proof of Work (SHA-256).

Mô phỏng cách mempool Bitcoin hoạt động.

Một block Bitcoin trung bình mất khoảng 10 phút để được tạo ra do đó giao dịch nếu được đưa vào mempool và chờ xác thực trung bình sẽ mất cùng khoảng thời gian đó. Các giao dịch có giá trị lớn thường yêu cầu tối thiểu 6 lần xác nhận để gần như không thể bị đảo ngược.

Phí giao dịch Bitcoin gồm những gì?

Phí giao dịch là khoản phí mà bạn phải trả để giao dịch Bitcoin của mình được đưa vào blockchain và xác nhận bởi những thợ đào. Phí cũng dựa trên quy luật cung cầu, tức là nhu cầu dùng mạng tăng phí sẽ cao và ngược lại.

Phí giao dịch Bitcoin tính theo byte, chứ không theo số lượng BTC bạn gửi. Một giao dịch lớn (ví dụ: nhiều đầu vào UTXO, hoặc có chữ ký phức tạp) sẽ tốn nhiều dữ liệu, dẫn đến phí cao hơn. Bitcoin có khả năng chia nhỏ tới 1 satoshi (1 satoshi = 0.00000001 BTC).

Nếu bạn dùng mạng Bitcoin gốc không dùng các ví tiền điện tử, ví lạnh, ví sàn giao dịch.. thì phí trung bình khi chuyển Bitcoin lúc mạng bình thường rơi vào khoảng 15 – 30 sat/byte, rẻ hơn nếu dùng Segwit.

Yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ giao dịch Bitcoin

Kích thước giao dịch

Các giao dịch Bitcoin có kích thước lớn (nhiều đầu vào hoặc nhiều chữ ký) sẽ chiếm nhiều không gian trong khối. Mỗi giao dịch Bitcoin yêu cầu một hoặc nhiều đầu vào (inputs) từ các giao dịch trước đó. Nếu giao dịch của bạn có nhiều đầu vào, điều này làm tăng kích thước của giao dịch.

Khối lượng giao dịch trên mạng

Khi có quá nhiều giao dịch đang chờ, thợ đào sẽ chọn những giao dịch có phí cao để xử lý trước. Mạng Bitcoin chỉ có thể xử lý một lượng giao dịch nhất định mỗi giây (gọi là throughput), nên nếu có quá nhiều giao dịch, bạn có thể phải đợi lâu hơn.

Mạng Bitcoin có thể bị tắc nghẽn vào các thời điểm cao điểm, chẳng hạn như vào các thời gian giao dịch sôi động hoặc khi có sự kiện lớn liên quan đến giá Bitcoin gây nhu cầu cao và nghẽn.

Mức độ ưu tiên của thợ đào

Các thợ đào ưu tiên những giao dịch có phí cao hơn để tối đa hóa lợi nhuận của họ. Nếu bạn trả mức phí thấp, giao dịch của bạn có thể bị chậm. Một khối trên mạng Bitcoin có thể chứa khoảng 1 MB dữ liệu. Các thợ đào phải chọn lựa các giao dịch sao cho phù hợp với dung lượng còn lại trong khối.

Đào Bitcoin (Bitcoin Mining)

Một góc nhỏ của trang trại đào Bitcoin.

Đào Bitcoin là gì?

Đào Bitcoin (Bitcoin Mining) là quá trình sử dụng máy tính để giải quyết các bài toán toán học phức tạp, xác nhận giao dịch trên mạng lưới Bitcoin để bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống. Quá trình này giúp duy trì mạng lưới Bitcoin, đồng thời tạo ra các đồng Bitcoin mới.

Cách hoạt động của thợ đào Bitcoin

Để xác nhận một giao dịch, các thợ đào phải giải quyết một bài toán mật mã (thuật toán SHA-256). Đây là một hàm băm (hash function) mà kết quả của nó được sử dụng để tạo ra “block” mới trên blockchain Bitcoin.

Quá trình này sử dụng cơ chế xác thực Proof-of-Work (PoW), yêu cầu thợ đào sử dụng sức mạnh tính toán để giải quyết các vấn đề phức tạp. Thợ đào đầu tiên giải quyết bài toán sẽ được thưởng bằng Bitcoin.

Khi một thợ đào giải được bài toán, một block mới được thêm vào blockchain. Phần thưởng cho việc đào một block mới bắt đầu từ 50 BTC, nhưng đã giảm dần qua các lần halving (cắt giảm một nửa số Bitcoin được thưởng).

Mining Pool là gì?

Một trại máy đào Bitcoin tại Australia

Mining Pool là một nhóm thợ đào Bitcoin kết hợp sức mạnh tính toán của mình để tăng cơ hội giải các bài toán mật mã và nhận phần thưởng từ việc đào Bitcoin. Thay vì đào đơn lẻ, các thợ đào trong một mining pool chia sẻ tài nguyên và phần thưởng, giúp giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng nhận thưởng.

Vì quá trình đào Bitcoin hễ cứ ai giải được thì sẽ nhận được phần thưởng của block đó, dẫn tới cạnh tranh rất cao. Dù bỏ ra công sức, năng lượng nhưng chưa chắc thợ đào đã được nhận phần thưởng từ block đó.

Khi pool giải quyết được một bài toán và tạo ra một block mới, phần thưởng (Bitcoin) sẽ được chia cho tất cả các thành viên trong pool dựa trên tỷ lệ sức mạnh tính toán mà họ đóng góp. Phần thưởng này sẽ được chia theo công thức PPS (Pay Per Share) hoặc PPLNS (Pay Per Last N Shares), tùy thuộc vào cách thức trả thưởng của pool.

Tuy nhiên có một lưu ý, hầu hết các mining pool tính một mức phí tham gia, thường dao động từ 1% đến 3% của phần thưởng đào được. Phí này sẽ giúp duy trì hoạt động của pool và trả cho người quản lý.

Solo Mining và Pool Mining

Mô hình máy đào Solo Bitcoin

Solo Mining là phương thức đào mà thợ đào thực hiện mọi công việc một mình, không tham gia vào bất kỳ pool nào. Thợ đào tự mình giải quyết các bài toán mật mã và tìm ra block mới, nhận toàn bộ phần thưởng khi thành công.

Tuy nhiên việc đào Bitcoin một mình đồng nghĩa với việc bạn phải cạnh tranh với tất cả các thợ đào khác trong mạng lưới, và xác suất giải quyết một block mới rất thấp. Mặc dù phần thưởng lớn, nhưng thời gian để đào một block có thể kéo dài rất lâu.

Theo nghiên cứu của Cambridge Centre for Alternative Finance, với mạng lưới Bitcoin hiện tại, khả năng đào thành công một block với solo mining là rất thấp, với 1 thợ đào phải mất trung bình 6 năm để đào một block thành công nếu sử dụng một máy tính cá nhân (CPU).

Pool Mining là phương thức đào mà nhiều thợ đào kết hợp sức mạnh tính toán của mình để giải quyết các bài toán mật mã cùng nhau. Thay vì đào độc lập, họ tham gia vào một mining pool (bể đào), nơi phần thưởng được chia sẻ giữa các thành viên dựa trên tỷ lệ sức mạnh tính toán mà mỗi người đóng góp.

Nhờ vào việc chia sẻ công sức đào, khả năng giải quyết bài toán và nhận thưởng sẽ cao hơn so với đào độc lập. Thợ đào sẽ nhận được phần thưởng đều đặn hơn, mặc dù phần thưởng cho mỗi thành viên sẽ ít hơn so với solo mining.

Theo dữ liệu từ Bitcoin.com, các mining pool lớn như F2Pool, AntPool hay SlushPool hiện nay chiếm khoảng 50-60% tổng hashrate của mạng Bitcoin, cho thấy sức mạnh lớn của việc đào nhóm

Có khi nào một người ăn may đào được bitcoin lẻ không? Câu trả lời là hoàn toàn có. Cụ thể, vào ngày 10/3/2025, một thợ đào đơn lẻ đã sử dụng máy đào bỏ túi giá 158 USD để giải quyết khối Bitcoin thứ 887.212, thu về tổng cộng khoảng 3,15 BTC, tương đương khoảng 263.000 USD.

ASIC Miner là gì?

ASIC Miner (Application-Specific Integrated Circuit Miner) là một loại phần cứng chuyên dụng được thiết kế đặc biệt để thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là đào Bitcoin hoặc các loại tiền điện tử khác sử dụng thuật toán SHA-256 (đặc biệt là Bitcoin). Các thiết bị này khác biệt hoàn toàn so với các loại phần cứng máy tính thông thường (như CPU, GPU) vì chúng được tối ưu hóa cho việc xử lý một tác vụ duy nhất, giúp gia tăng hiệu suất khai thác.

Khác với CPU và GPU, ASIC có tốc độ tính toán rất nhanh, giúp thợ đào cạnh tranh với những người khác trong việc tìm ra các khối (block) Bitcoin. ASIC có khả năng xử lý hàng tỷ phép toán mỗi giây (hash per second).

ASIC Miner chỉ có thể đào được một loại tiền điện tử (ví dụ: Bitcoin). Nếu thuật toán hoặc giao thức của mạng blockchain thay đổi, người sở hữu ASIC có thể gặp phải vấn đề và phải đầu tư vào thiết bị mới. Do hiệu suất khai thác cực cao, ASIC Miners tiêu thụ rất nhiều điện. Điều này gây ra những vấn đề về môi trường và làm gia tăng lượng khí thải carbon nếu nguồn năng lượng sử dụng không sạch.

Hiện nay, có rất nhiều hãng sản xuất ASIC Miner nổi tiếng trên thị trường như Bitmain Antminer S19 Pro, MicroBT WhatsMiner M30s, Canaan AvalonMiner 1246… và giá của chúng cũng không hề rẻ tí nào.

Phần thưởng khối (Block Reward) và Bitcoin Halving

Phần thưởng khối là phần thưởng mà người thợ đào nhận được khi họ thành công xác thực và thêm một khối mới vào blockchain Bitcoin. Phần thưởng khối là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo việc duy trì hoạt động của mạng lưới Bitcoin và khuyến khích thợ đào tham gia vào quá trình đào.

Bitcoin Halving là sự kiện xảy ra cứ sau mỗi 210,000 khối, khoảng cách thời gian giữa hai lần halving thường là 4 năm. Trong sự kiện này, phần thưởng cho thợ đào Bitcoin sẽ giảm đi một nửa. Quá trình này được lập trình vào mã nguồn của Bitcoin nhằm giảm dần tốc độ phát hành Bitcoin mới, qua đó giúp kiểm soát nguồn cung của Bitcoin và duy trì sự khan hiếm.

Phần thưởng Bitcoin Halving qua các năm.

Khi Bitcoin mới ra đời (2009), phần thưởng khối là 50 Bitcoin cho mỗi khối mà thợ đào giải quyết thành công, sau mỗi lần halving, phần thưởng sẽ giảm đi một nửa:

  • Lần 1 (2009): Phần thưởng khối 50 BTC, Bitcoin ra đời.
  • Lần 2 (2012): Phần thưởng khối giảm xuống còn 25 BTC.
  • Lần 3 (2016): Phần thưởng khối giảm xuống còn 12.5 BTC.
  • Lần 4 (2020): Phần thưởng khối giảm xuống còn 6.25 BTC.
  • Lần 5 (2024): Phần thưởng khối giảm xuống còn 3.125 BTC.

Đào Bitcoin có còn lợi nhuận không?

Việc đào Bitcoin hiện nay vô cùng khó khăn do chi phí tăng cao và sự cạnh tranh khốc liệt. Trước tiên, thợ đào cần đầu tư vào các máy đào chuyên dụng ASIC có giá vô cùng đắt đỏ, kéo theo là lượng điện khổng lồ để vận hành chúng. Những khu vực có giá điện thấp như Nga, Venezuela, Kazakhstan hay một số bang của Mỹ (như Texas) thường có lợi thế cạnh tranh hơn.

Ngoài ra, độ khó khai thác liên tục tăng, khiến việc tìm được khối mới ngày càng phức tạp và đòi hỏi thiết bị mạnh mẽ hơn. Một yếu tố khác ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận là sự kiện Bitcoin Halving, diễn ra bốn năm một lần, làm giảm phần thưởng khối từ 50 BTC ban đầu xuống còn 3.125 BTC vào năm 2024, đồng nghĩa với việc thợ đào nhận được ít Bitcoin hơn so với trước đây.

Chi phí để khai thác một Bitcoin hiện nay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá điện, hiệu suất thiết bị và vị trí địa lý. Theo báo cáo từ CoinTelegraph, tính đến ngày 6/4/2024, chi phí trung bình để khai thác một Bitcoin là khoảng 49.902 USD. Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng thợ đào.

Các nâng cấp và chia tách của Bitcoin

Soft Fork và Hard Fork là gì?

Ví dụ minh hoạ về Soft Fork và Hard Fork Bitcoin.

Soft Fork là một bản nâng cấp phần mềm tương thích ngược (backward-compatible), nghĩa là các node cũ không cập nhật vẫn có thể tiếp tục xác nhận các giao dịch mới theo quy tắc mới. Soft Fork chỉ làm thắt chặt các quy tắc, không làm thay đổi cấu trúc blockchain. Ví dụ: Segregated Witness (SegWit, 2017) là một Soft Fork của Bitcoin, giúp tăng hiệu suất giao dịch mà không làm thay đổi block size.

Ngược lại, Hard Fork là một bản cập nhật không tương thích ngược (non-backward-compatible), nghĩa là nếu node không cập nhật phần mềm mới, nó sẽ không thể tham gia vào blockchain mới. Khi Hard Fork xảy ra, blockchain cũ và blockchain mới sẽ tồn tại song song với các quy tắc khác nhau. Đây là cách mà Bitcoin Cash ra đời, là một Hard Fork của Bitcoin, tăng kích thước block từ 1MB lên 8MB để tăng tốc độ giao dịch.

Những đợt nâng cấp quan trọng của Bitcoin

Bitcoin đã trải qua nhiều lần nâng cấp để cải thiện hiệu suất, bảo mật và khả năng mở rộng gồm:

  • P2SH (2012): Cho phép các giao dịch đa chữ ký (MultiSig) và hợp đồng thông minh đơn giản.
  • Segwit (2017): Tách chữ ký (witness data) khỏi dữ liệu giao dịch, giúp tăng dung lượng khối.
  • Bitcoin Cash Hard Fork (2017): Mở rộng block size lên 8MB và sự ra đời của Bitcoin Cash
  • Taproot (2021): Cải thiện quyền riêng tư bằng việc sử dụng Schnorr Signatures.
  • Ordinals & Inscriptions (2023): Cho phép nhúng dữ liệu như NFT, hình ảnh, video vào Bitcoin.

SegWit và Lightning Network

SegWit (Segregated Witness) là một bản cập nhật Soft Fork được kích hoạt vào năm 2017, nhằm tăng dung lượng giao dịch mà không cần mở rộng kích thước block. Dù Block vẫn giữ giới hạn 1MB, nhưng nhờ tối ưu dung lượng, có thể chứa nhiều giao dịch hơn (~4MB dữ liệu hiệu quả).

Nhờ đó mà phí giao dịch giảm từ 30$ xuống còn vài cent khi SegWit được áp dụng rộng rãi. Và đây cũng là nền tảng để phát triển Lightning Network

Lightning Network là một giải pháp Layer 2 giúp thực hiện giao dịch gần như tức thì và chi phí cực thấp bằng cách tạo các kênh thanh toán giữa hai bên mà không cần gửi từng giao dịch lên blockchain chính. Hai công nghệ này bổ trợ nhau, giúp Bitcoin mở rộng mà không làm mất đi tính phi tập trung

Bitcoin Core là gì?

Giao diện phần mềm Bitcoin Core cài trên máy tính Windows.

Bitcoin Core là phần mềm node đầy đủ (full node software) chính thức của mạng Bitcoin, đóng vai trò như bộ giao thức tham chiếu để xác thực giao dịch và duy trì blockchain. Đây là phần mềm do Satoshi Nakamoto phát triển đầu tiên vào năm 2009, ban đầu có tên là Bitcoin, sau đó đổi thành Bitcoin Core để phân biệt với mạng lưới Bitcoin.

Hiểu một cách đơn giản, Bitcoin Core là một cuôn sổ cái chứa toàn bộ lịch sử giao dịch Bitcoin (~500GB vào năm 2024). Do có ví riêng, giúp người dùng lưu trữ và gửi/nhận Bitcoin mà không cần bên thứ ba. Đây cũng là cách mà những người sở hữu Bitcoin ngày đầu có thể gửi và nhận Bitcoin không cần ví lạnh.

Taproot Upgrade

Taproot là một bản cập nhật quan trọng của Bitcoin, được kích hoạt vào tháng 11/2021, giúp cải thiện bảo mật, quyền riêng tư và hiệu suất giao dịch. Đây là nâng cấp lớn nhất kể từ SegWit (2017) và giúp Bitcoin tiến gần hơn đến việc hỗ trợ hợp đồng thông minh.

Trước đây, Bitcoin sử dụng ECDSA (Elliptic Curve Digital Signature Algorithm) để tạo chữ ký số. Taproot thay thế bằng Schnorr Signatures, giúp tăng đáng kể tốc độ xác minh chữ ký, giảm kích thước giao dịch và tiết kiệm phí.

Sau Taproot, tất cả giao dịch (dù đơn giản hay phức tạp) trông giống nhau, giúp tăng quyền riêng tư. Quan trọng nhất là giúp thực hiện các hợp đồng thông minh phức tạp ngay trên Bitcoin mà không làm tăng kích thước giao dịch quá nhiều.

Smart Contract trên Bitcoin?

Mặc dù Bitcoin được biết đến như một hệ thống thanh toán và lưu trữ giá trị, không giống như Ethereum, vốn được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ smart contract, nhưng Bitcoin vẫn có khả năng thực hiện hợp đồng thông minh thông qua một số cách.

Bitcoin có một ngôn ngữ lập trình đơn giản gọi là Bitcoin Script. Mặc dù không mạnh mẽ như ngôn ngữ của Ethereum, Bitcoin Script cho phép thực hiện các hợp đồng thông minh cơ bản. Ví dụ: MultiSig (giao dịch cần nhiều chữ ký), Timelocks (giao dịch chỉ thực hiện sau một khoảng thời gian nhất định).

Sau bản cập nhật lớn Taproot cho phép tạo hợp đồng thông minh linh hoạt và tiết kiệm chi phí hơn, tạo cơ hội để Bitcoin cạnh tranh trong lĩnh vực DeFi.

Các phiên bản Bitcoin Fork quan trọng

Bitcoin Cash (BCH) là gì?

Bitcoin Cash được tạo ra như một kết quả của sự chia rẽ trong cộng đồng Bitcoin

Bitcoin Cash (BCH) là một fork (nhánh) của Bitcoin, được tạo ra vào ngày 1 tháng 8 năm 2017 tại block 478,558. Mục đích của Bitcoin Cash là giải quyết vấn đề khả năng mở rộng của Bitcoin bằng cách tăng kích thước khối, giúp xử lý nhiều giao dịch hơn mà không làm tăng phí giao dịch quá cao hoặc gây tắc nghẽn mạng.

Bitcoin Cash được phát triển bởi một nhóm các nhà phát triển và miner, trong đó có những người không đồng ý với quyết định áp dụng Segregated Witness (SegWit) và các thay đổi trong quy trình mở rộng mạng của Bitcoin. Họ tin rằng việc tăng kích thước khối là giải pháp tốt nhất để giúp Bitcoin trở thành phương tiện thanh toán toàn cầu.

Dù được phân tách sau chưa đầy một năm Bitcoin Cash tiến hành thêm một hard fork, chia thành Bitcoin Cash ABC và Bitcoin SV (Bitcoin Satoshi Vision)

Bitcoin SV (BSV) là gì?

Bitcoin SV có tên đầy đủ là Bitcoin Satoshi Vision.

Bitcoin SV (Bitcoin Satoshi Vision) là một fork của Bitcoin Cash (BCH), được tạo ra vào ngày 15 tháng 11 năm 2018 sau một cuộc chia rẽ trong cộng đồng Bitcoin Cash. Mục tiêu của Bitcoin SV là khôi phục và duy trì nguyên bản thiết kế và tầm nhìn của Satoshi Nakamoto, người sáng lập Bitcoin.

Bitcoin SV tập trung vào việc mở rộng mạng lưới Bitcoin bằng cách tăng kích thước khối lên vô hạn và hỗ trợ các giao dịch lớn mà không làm giảm tính phi tập trung của mạng lưới.

Được phát triển bởi nền tảng nChain và Bitcoin Association, dưới sự lãnh đạo của Craig Wright, người tuyên bố mình là Satoshi Nakamoto (dù gây tranh cãi). Bitcoin SV dù không phải một fork thất bại nhưng nó cho thấy sự chia rẽ cộng đồng lớn như nào, từ đó làm giảm lòng tin vào đồng coin này.

Bitcoin Gold (BTG) là gì?

Bitcoin Gold ra đời với mong muốn các miner sử dụng GPU để đào Bitcoin.

Bitcoin Gold (BTG) là một hard fork của Bitcoin (BTC), được tạo ra vào ngày 24 tháng 10 năm 2017. Mục tiêu của Bitcoin Gold là thay đổi thuật toán khai thác (mining) của Bitcoin, giúp cho việc đào coin trở nên dễ dàng và công bằng hơn cho những người sử dụng phần cứng phổ thông (như GPU – card đồ họa) thay vì chỉ phụ thuộc vào các máy khai thác chuyên dụng như ASIC miners.

Bitcoin Gold sử dụng thuật toán Equihash, được cho là khó hơn đối với ASIC miners, nhưng dễ dàng hơn đối với các máy đào sử dụng GPU. Đây là một thuật toán Proof-of-Work (PoW) khác với SHA-256 của Bitcoin. Mục đích của việc này là khuyến khích các miner sử dụng GPU, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các máy đào ASIC đắt tiền

Bitcoin Gold không phải là đồng tiền duy nhất được sinh ra từ việc chia tách Bitcoin. Các đối thủ như Bitcoin Cash và Bitcoin SV cũng có mục tiêu tương tự, gây sự phân tán trong cộng đồng vô cùng lớn và ít được đón nhận.

So sánh Bitcoin với các phiên bản Fork

Đặc điểmBitcoin (BTC)Bitcoin Cash (BCH)Bitcoin SV (BSV)Bitcoin Gold (BTG)
Ngày ra mắt03/01/200901/08/201715/11/201824/10/2017
Tạo ra từHard Fork từ Bitcoin vào năm 2017Hard Fork từ Bitcoin Cash vào năm 2018Hard Fork từ Bitcoin vào năm 2017
Thuật toán khai thácSHA-256SHA-256SHA-256Equihash (dễ đào bằng GPU)
Kích thước khối1 MB8 MB (ban đầu, sau này có thể tăng)128 MB (để mở rộng khả năng giao dịch)1 MB (tương tự Bitcoin)
Mục tiêuGiữ nguyên các nguyên lý của Satoshi Nakamoto, bảo mật và phân cấp mạng lướiGiảm phí giao dịch và tăng tốc độ giao dịch thông qua việc tăng kích thước khốiDuy trì các nguyên lý ban đầu của Bitcoin, tăng khả năng mở rộngTạo ra một mạng lưới khai thác phi tập trung với GPU
Kích thước khối tối đa21 triệu BTC21 triệu BCH21 triệu BSV21 triệu BTG
Cộng đồngCộng đồng lớn nhất, mạnh mẽ nhất trong tiền mã hóaCộng đồng mạnh mẽ nhưng gặp nhiều tranh cãiCộng đồng bị chia rẽ, có sự hỗ trợ từ Craig WrightCộng đồng nhỏ, chủ yếu tập trung vào khai thác GPU
Tính bảo mậtMạng lưới bảo mật cao nhờ vào thuật toán SHA-256 và quy mô lớnMạng lưới bảo mật thấp hơn vì có kích thước khối lớn hơn và ít phân tán hơnBảo mật chưa thực sự cao vì sự phân tán mạng lưới thấpBảo mật kém hơn Bitcoin do khai thác bằng GPU
Chủ trương phát triểnTập trung vào sự ổn định và bảo mật của mạng lướiCải thiện khả năng giao dịch và mở rộng mạng lướiTăng kích thước khối cực đại, bảo tồn các nguyên lý Bitcoin ban đầuTập trung vào sự phân cấp trong việc khai thác

Ví Bitcoin và cách lưu trữ an toàn

Việc sử dụng ví Bitcoin an toàn và bảo mật là vô cùng quan trọng để bảo vệ tài sản của bạn khỏi các mối đe dọa như hacker hay mất mát dữ liệu.

Ví Bitcoin là gì?

Số lượng Bitcoin được lưu trữ trong ví lạnh Ledger.

Ví Bitcoin (Bitcoin wallet) là phần mềm hoặc thiết bị giúp bạn lưu trữ, gửi và nhận Bitcoin. Ví không lưu trữ Bitcoin thực sự mà chỉ lưu trữ các “khóa riêng” (private keys) giúp bạn truy cập vào lượng Bitcoin mà bạn sở hữu trên blockchain. Mỗi ví Bitcoin có một “địa chỉ ví” (address) để nhận Bitcoin và một khóa riêng để thực hiện các giao dịch.

Các loại ví Bitcoin phổ biến

Ví phần mềm

Là những ứng dụng hoặc phần mềm được cài đặt trên máy tính hoặc điện thoại di động gồm hai loại:

  • Ví nóng: Được kết nối trực tiếp với Internet, cho phép bạn thực hiện giao dịch nhanh chóng. Ví dụ: Exodus, Electrum, Mycelium.
  • Ví lạnh: Không kết nối với Internet, giúp bảo mật cao hơn. Ví dụ: Trezor, Ledger, KeepKey.

Ngoài ra cũng còn ví của Bitcoin Core, đây là một ví chạy node đầy đủ, nghĩa là nó tải và lưu trữ toàn bộ lịch sử giao dịch trên mạng Bitcoin. Toàn bộ dữ liệu blockchain sẽ được tải và lưu trữ trực tiếp trên thiết bị của bạn. Đây là ví độc lập kết nối trực tiếp với mạng mà không phải qua bất kỳ loại ví nào khác.

Ví lạnh

Ví lạnh là phương pháp lưu trữ Bitcoin an toàn nhất, vì chúng không kết nối với Internet. Điều này giúp giảm nguy cơ bị hack hoặc mất cắp. Ví lạnh bảo vệ khóa riêng của bạn khỏi các mối đe dọa từ các phần mềm độc hại. Các ví phần cứng nổi tiếp như Ledger Trezo.

Ví giấy

Đúng như trên gọi, đây là hình thức lưu trữ Bitcoin dưới dạng ghi khóa công khai và khóa riêng trên giấy. Mặc dù an toàn về mặt lý thuyết khi không kết nối Internet, nhưng bạn cần phải bảo vệ giấy tờ này khỏi bị hỏng.

Ví web

Ưu điểm là tiện lợi, dùng trực tiếp, loại ví này lưu trữ trên các nền tảng trực tuyến (sàn giao dịch, ví trực tuyến). Ví này dễ sử dụng nhưng tiềm ẩn nguy cơ bị hack nếu không bảo mật đúng cách. Ví dụ: Blockchain.info, Coinbase.

Cách tạo ví Bitcoin an toàn

Tạo một ví Bitcoin an toàn là bước quan trọng để bảo vệ Bitcoin của bạn, nhưng bạn nên lựa chọn loại ví phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.

Khi tạo ví, bạn sẽ nhận được một “seed phrase” (cụm từ khôi phục). Đây là một tập hợp các từ khóa dùng để khôi phục ví trong trường hợp bị mất hoặc quên mật khẩu, thường là 12-24 ký tự.

Seed phrase là chìa khóa để khôi phục ví của bạn. Nếu ai đó có quyền truy cập vào seed phrase, họ có thể lấy hết Bitcoin trong ví của bạn. Ghi lại seed phrase trên giấy và lưu trữ ở nơi an toàn như két sắt, hoặc sử dụng dịch vụ lưu trữ vật lý an toàn, chống cháy…

Còn đối với các loại ví nóng trên máy tính hay trên nền web thì bạn chọn mật khẩu an toàn, khó bị dò. Luôn sử dụng xác thực hai yếu tố (2FA) cho ví web hoặc tài khoản trên sàn giao dịch. Để tránh rủi ro bị hack, không nên truy cập vào ví Bitcoin của bạn trên các máy tính công cộng như quán nét, tránh sử dụng wifi chùa….

Cách mua và bán Bitcoin

Mua Bitcoin ở đâu?

Việc sở hữu Bitcoin ngày càng dễ dàng khi các sàn giao dịch đều hỗ trợ mua bán đơn giản. Dễ nhất là mua qua các sàn giao dịch crypto. Đây là nơi phổ biến nhất để mua Bitcoin. Một số sàn uy tín phải kể tới như Binance, OKx, Remitano…

Giao dịch rút Bitcoin trên sàn Remitano.

Nếu có nhu cầu cao thì mua qua các sàn OTC thông qua hình thức P2P sẽ là lựa chọn nhanh chóng.

Hướng dẫn giao dịch Bitcoin trên sàn

Một số sàn phổ biến và thân thiện với người dùng phải kể tới như Binance, OKX, KuCoin, Bybit… đều có các hình thức giao dịch nhưng phổ biến nhất vẫn là spot hoặc P2P. Hầu hết các sàn đều cho tạo tài khoản dễ dàng và đều yêu cầu KYC để xác minh thông tin.

Để an toàn trước khi giao dịch, nên bật xác minh hai bước 2FA cho tài khoản.

Nếu bạn có nhu cầu trading thì nên mua stablecoin như Tether của người bán trên các sàn giao dịch. Sau đó có thể trao đổi qua lại thông qua spot trading. Nhưng nếu bạn là HODL hoặc nhà đầu tư dài hạn nên rút Bitcoin về ví lạnh Ledger hoặc Trezor để lưu trữ, không nên để tài sản quá nhiều trên sàn.

Các sàn giao dịch Bitcoin uy tín

Hiện nay, có nhiều sàn giao dịch Bitcoin uy tín phục vụ người dùng. Binance là sàn giao dịch lớn nhất thế giới với khối lượng giao dịch cao, phí thấp và hỗ trợ đầy đủ các tính năng như Spot, Futures, P2P và staking. Bạn có thể mua Bitcoin bằng tiền Việt trên sàn vô cùng dễ dàng.

Nếu bạn ưu tiên giao dịch bằng VND thì Remitano là lựa chọn hàng đầu, hỗ trợ P2P và chuyển khoản ngân hàng nội địa với giao diện đơn giản, phù hợp cho người mới.

Ngoài ra các sàn như OKX, Bybit,… đều hỗ trợ người dùng tiếng Việt nhưng mua Bitcoin bằng tiền Việt hơi khó khăn do tỉ giá P2P hơi cao.

Đầu tư Bitcoin

Từ một dự án mã nguồn mở ít người biết đến, Bitcoin đã trở thành một tài sản kỹ thuật số được nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu quan tâm. Với nguồn cung giới hạn ở mức 21 triệu coin, cùng tính phi tập trung và khả năng lưu trữ giá trị theo thời gian, Bitcoin đang dần được xem như “vàng kỹ thuật số”.

Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các hình thức đầu tư Bitcoin phổ biến, chiến lược cơ bản và những điều cần lưu ý khi “xuống tiền”.

Bitcoin có phải là khoản đầu tư tốt?

Bitcoin thường được so sánh với vàng như một “tài sản trú ẩn” trong thời kỳ bất ổn kinh tế. Tính đến năm 2025, giá Bitcoin đã tăng hơn +100,000% so với mức dưới 1 USD vào năm 2010, nhưng hành trình này không hề bằng phẳng. Có những năm giá giảm hơn 70%, điển hình như năm 2018 hay 2022, do đó có thể khẳng định rằng đầu tư Bitcoin không dành cho người “yếu tim”.

Xét về hiệu suất, Bitcoin từng có những năm bùng nổ như 2013 (+5.507%) và 2017 (+1.318%), song cũng trải qua các giai đoạn điều chỉnh sâu. Khi so sánh với các tài sản khác như vàng, cổ phiếu hay bất động sản, Bitcoin vượt trội về tốc độ tăng trưởng nhưng kém ổn định hơn nhiều.

Giá Bitcoin phá đỉnh 1000$ vào cuối năm 2013.

Bitcoin được thiết kế để có giới hạn chỉ 2 triệu đồng và chỉ khai thác hết vào năm 2140, dựa vào quy luật cung cầu có thể thấy Bitcoin luôn là tài sản có giá trị gia tăng bởi nguồn cung hữu hạn.

Bitcoin có tiềm năng tăng trưởng lớn nhưng rủi ro cao do đó chỉ phù hợp với những ai chấp nhận biến động lớn và có khả năng phân bổ vốn tốt.

So sánh Bitcoin với vàng và chứng khoán

Bitcoin, vàng và chứng khoán đều là những kênh đầu tư phổ biến, nhưng mỗi loại tài sản lại có những đặc điểm riêng biệt về tính ổn định, rủi ro, thanh khoản và khả năng sinh lời.

Vàng là tài sản trú ẩn an toàn, ít biến động và thường giữ giá trị trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Lịch sử đã cho thấy từ khi vàng được con người sử dụng như một đơn vị trao đổi hàng ngàn năm trước, nó luôn đóng vai trò là thước đo giá trị ổn định.

Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi thị trường chứng khoán sụp đổ và đồng USD mất giá, giá vàng lại tăng mạnh — từ khoảng 800 USD/oz lên hơn 1.900 USD/oz vào năm 2011.

Không giống như tiền pháp định có thể bị in thêm, nguồn cung vàng tương đối cố định, khiến nó trở thành một hàng rào chống lạm phát hiệu quả.

Trong ngắn hạn, chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận ổn định qua cổ tức và tăng trưởng giá. Bitcoin lại nổi bật với mức sinh lời đột biến trong một số năm — ví dụ năm 2017 tăng hơn 1.300%, vượt xa mức trung bình của cả thị trường chứng khoán.

Cả ba đều có thể dễ dàng mua bán, nhưng chứng khoán phụ thuộc vào giờ giao dịch và sàn chứng khoán truyền thống. Bitcoin và vàng có thể giao dịch 24/7 toàn cầu, trong đó Bitcoin nổi bật với tốc độ chuyển tiền nhanh và chi phí thấp hơn.

Những rủi ro khi đầu tư Bitcoin

Bitcoin nổi bật với sự biến động giá mạnh mẽ. Trong vài giờ hoặc vài ngày, giá của Bitcoin có thể thay đổi lên tới vài chục phần trăm. Đây thực sự là một kênh đầu tư không dành cho người mới tham gia bởi tính “khốc liệt” của thị trường.

Ngoài biến động giá lớn thì rủi ro pháp lý là rào cản lớn khi Bitcoin ít được các chính phủ chấp nhận, nhất ở Việt Nam quy định pháp lý không có dẫn tới không có sự bảo vệ của pháp luật khi bị lừa đào.

Mặc dù công nghệ blockchain của Bitcoin được coi là rất an toàn, nhưng việc lưu trữ và bảo mật Bitcoin vẫn có thể gặp phải một số vấn đề nếu không có am kiểu về công nghệ. Khi dùng ngân hàng nếu bị mất tiền khả năng thu hồi vẫn có ít dù chỉ 1%, nhưng nếu mất Bitcoin khi bị hack, lộ private key… thì khả năng lấy lại là 0%.

Các chiến lược đầu tư Bitcoin

Hold (HODL) dài hạn

Thuật ngữ “HODL” xuất phát từ một lỗi chính tả của từ “hold” trong một bài đăng trên diễn đàn Bitcointalk vào năm 2013, nhưng nó đã trở thành một biểu tượng trong cộng đồng crypto.

Hold là chiến lược đơn giản là mua Bitcoin và giữ nó trong dài hạn, bất kể sự thay đổi giá cả hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng.

Một trong những lý do chính khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn chiến lược HODL là họ tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của Bitcoin. Những nhà đầu tư theo chiến lược HODL không quá lo lắng về những biến động giá hàng ngày, không bị chi phối bởi cảm xúc khi đầu tư.

Để bắt đầu chiến lược HODL, bạn cần mua Bitcoin, sau đó rút hết BTC đó về ví lạnh lưu trữ trong dài hạn, bạn chỉ bán khi thực sự cần tối ưu hoá danh mục đầu tư hoặc đơn gian khi giá đã tốt và cần “chốt lời”.

Giao dịch ngắn hạn (Trading)

Trading là một chiến lược đầu tư khá phổ biến trong thị trường Bitcoin, hiểu đơn giản là một cách mua đi bán lại miễn sao bạn “mua đáy – bán đỉnh” là có lời.

Vì Bitcoin là một loại tài sản có tính biến động cao, rất nhạy cảm với các tin tức thường ngày nên trading là cách kiếm lợi nhuận nhanh. Khi trading sẽ kết hợp với phân tích kỹ thuật, một công cụ quan trọng trong giao dịch ngắn hạn. Các nhà đầu tư sử dụng các chỉ báo và mô hình giá (như MA, RSI, MACD, Bollinger Bands) để dự đoán xu hướng giá.

Dù kiếm được lợi nhuận nhanh nhưng đi kèm là rủi ro thua lỗ rất lớn nếu không kiềm chế được cảm xúc và không có chiết lược cắt lỗ kịp thời. Hầu hết những nhà đầu tư mới khi tham gia thị trường crypto đều thực hiện trading nhưng hầu hết đều thua lỗ.

DCA (Dollar-Cost Averaging)

DCA hay còn gọi là Chiến lược Trung Bình Giá, là một chiến lược đầu tư dài hạn mà trong đó nhà đầu tư sẽ chia số tiền cần đầu tư thành các khoản nhỏ và thực hiện đầu tư định kỳ vào Bitcoin. Mục tiêu của chiến lược này là giảm thiểu rủi ro do biến động giá và tận dụng được những biến động ngắn hạn của thị trường để mua thêm.

Chiến lược này phù hợp cho những người có tầm nhìn dài hạn, tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của Bitcoin và không muốn bị ảnh hưởng bởi những biến động tạm thời của thị trường.

Bitcoin ETF là gì?

quy etf lon nhat canada tung ra quy tuong ho
Quỹ ETF Bitcoin tại Mỹ.

Bitcoin ETF ( viết tắt của Exchange-Traded Fund) là một quỹ giao dịch chứng khoán, cho phép nhà đầu tư có thể mua và bán các cổ phiếu của quỹ này trên sàn giao dịch chứng khoán như một loại chứng khoán thông thường, thay vì phải trực tiếp sở hữu Bitcoin.

Mục đích của Bitcoin ETF là giúp các nhà đầu tư mới có thể tiếp cận Bitcoin mà không phải lo lắng về các vấn đề như bảo mật, lưu trữ hay quản lý tài sản.

Bitcoin Spot ETF và Bitcoin Futures ETF

Bitcoin Spot ETF là một quỹ giao dịch chứng khoán theo dõi giá Bitcoin thực tế. Quỹ này sẽ mua và lưu trữ Bitcoin, giá trị của quỹ sẽ phản ánh trực tiếp giá trị của Bitcoin trên thị trường giao ngay (spot market).

Ngược lại, Bitcoin Futures ETF là một quỹ giao dịch theo dõi giá dựa trên hợp đồng tương lai Bitcoin. Quỹ này mua hợp đồng tương lai Bitcoin trên các sàn giao dịch phái sinh, mà không phải trực tiếp mua và lưu trữ Bitcoin.

Vào tháng 10 năm 2021, ProShares Bitcoin Strategy ETF đã trở thành Bitcoin Futures ETF đầu tiên được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) phê duyệt và niêm yết trên sàn chứng khoán New York (NYSE).

Sau một thời gian dài chờ đợi, vào ngày 10 tháng 1 năm 2024, SEC đã phê duyệt 11 quỹ Bitcoin Spot ETF đầu tiên. Các quỹ này bao gồm các tên tuổi lớn như Grayscale Bitcoin Trust, Bitwise Bitcoin ETF, Hashdex Bitcoin ETF, iShares Bitcoin Trust, Valkyrie Bitcoin Fund, ARK 21Shares Bitcoin ETF, Invesco Galaxy Bitcoin ETF, VanEck Bitcoin Trust, WisdomTree Bitcoin Fund, Fidelity Wise Origin Bitcoin Fund và Franklin Bitcoin ETF.

ETF ảnh hưởng thế nào đến giá Bitcoin?

Khi các Bitcoin ETFs, đặc biệt là Bitcoin Spot ETF, được ra mắt và được phê duyệt, nó mở rộng sự tiếp cận của Bitcoin tới một nhóm nhà đầu tư lớn hơn, bao gồm cả những người không quen với việc sở hữu và lưu trữ Bitcoin trực tiếp.

Nhưng điều quan trọng nhất là sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức khi có thể tiếp cận Bitcoin mà không phải lo lắng về các vấn đề bảo mật và pháp lý. Với nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia hơn có thể dễ dàng thấy rằng sự biến động mạnh của giá Bitcoin đã được thu hẹp dần trong vài năm trở lại đây, nhất là sau lần halving thứ 4.

Tâm lý giao dịch Bitcoin

FOMO, FUD và cách kiểm soát cảm xúc

FOMO và FUD là hai khái niệm rất phổ biến trong các thị trường chứng khoán và crypto. FOMO là cảm giác lo lắng hoặc sợ hãi khi thấy người khác đạt được lợi ích (ví dụ như tăng giá Bitcoin) mà bạn chưa tham gia vào cơ hội đó.

FUD là cảm giác tiêu cực hoặc nghi ngờ về thị trường hoặc tài sản cụ thể (như Bitcoin), FUD thường lan truyền qua các tin đồn hoặc sự lo lắng quá mức.

Quản lý cảm xúc là chìa khóa để duy trì một chiến lược đầu tư vững chắc và ổn định. Để làm được thì trước khi đầu tư nên xác định mục tiêu rõ ràng, hiểu thị trường và trang bị kiến thức.

Chỉ số On-Chain

On-chain là các chỉ số phân tích dữ liệu trực tiếp từ blockchain của Bitcoin nhằm xác định một phần tâm lý thị trường. Khi theo dõi và hiểu các chỉ số này giúp bạn đưa ra các quyết định đầu tư thông minh.

Các chỉ số khi nghiên cứu phổ biến phải kể tới như: Active Address, Transaction Volume, Realized Cap, MVRV Ratio, HODL Waves, UTXO…

Pháp lý của Bitcoin

Bitcoin có hợp pháp không?

Sự công nhận về mặt pháp luật của Bitcoin có sự khác biệt rõ rệt giữa các quốc gia, có nước thì chấp nhận và có nước cấm hoàn toàn.

Hiện nay Bitcoin đã được hợp pháp hoá ở Mỹ, châu Âu, Thuỵ Sỹ, Nhật, Canada… Ngược lại ở Trung Quốc lại cấm người dân sử dụng đồng tiền này.

Hầu hết các quốc gia đều có một điểm chung là lo ngại về tính phân quyền không kiểm soát của Bitcoin dân tới việc khó quản lý. Những quốc gia như Mỹ lại rất có thiện cảm với Bitcoin khi nhìn nhận đây là tài sản hợp pháp.

Bitcoin có được công nhận ở Việt Nam không?

Ở Việt Nam, Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác không được công nhận là phương tiện thanh toán dẫn tới nếu sử dụng Bitcoin để thanh toán như mua nhà, mua xe… sẽ bị phạt.

Tuy nhiên, việc sở hữu, giao dịch và đầu tư vào Bitcoin không bị cấm. Các cá nhân có thể mua bán Bitcoin thông qua các sàn giao dịch quốc tế, nhưng không được phép sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán trong các giao dịch thương mại.

Hiện tại chính phủ tích cực xây dựng khung pháp lý để quản lý Bitcoin, đồng nghĩa sẽ thu thuế từ việc đầu tư – đổi lại những người nắm giữ sẽ được pháp luật bảo vệ.

Những quốc gia chấp nhận Bitcoin

Đầu tiên là Mỹ, Bitcoin hợp pháp ở hầu hết các tiểu bang và được coi là tài sản hoặc hàng hóa trong nhiều trường hợp. Ở Nhật thì Bitcoin được công nhận là một “tiền tệ kỹ thuật số” và có khung pháp lý rất rõ ràng.

Ở Canada Bitcoin được công nhận là tài sản nhưng ở phương diện thanh toán thì không đề cập rõ. Nhưng Thuỵ Sỹ ngoài công nhận Bitcoin là tài sản thì người dân được sử dụng để thanh toán như tiền tệ.

El Salvador là quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức công nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp vào tháng 9 năm 2021.

Có thể thấy qua các năm Bitcoin được công nhận tại nhiều quốc gia hơn cho thấy BTC không chỉ được nhìn nhận như một phương tiện thanh toán mà cả phương diện đầu tư.

Tương lai của Bitcoin

Bitcoin có thể thay thế tiền pháp định không?

Tiền pháp định hiện nay đã có lịch sử hơn 200 năm, bắt đầu từ thế kỷ 17 và 18 khi các quốc gia bắt đầu phát hành tiền tệ không còn dựa trên vàng hay bạc, mà thay vào đó là các đồng tiền được bảo chứng bằng sự tin tưởng vào chính phủ.

Bitcoin có tiềm năng để thay thế tiền pháp định trong một số trường hợp, như là một phương tiện đầu tư hoặc một tài sản lưu trữ giá trị. Tuy nhiên nếu xét về phương diện thanh toán thì Bitcoin phải đối mặt với sự biến động giá vô cùng lớn.

So sánh giữa Bitcoin và tiền Fiat.

Ngoài ra sự chấp nhận của chính phủ và ngân hàng, và bảo mật vẫn là những rào cản lớn khiến Bitcoin khó có thể thay thế tiền pháp định truyền thống.

Cũng như tiền pháp định mất hàng thế kỷ để được công nhận và sử dụng rộng rãi, Bitcoin (và các loại tiền mã hóa khác) có thể sẽ cần một thời gian dài hơn nữa để có thể thay thế tiền pháp định hoàn toàn

Những thách thức mà Bitcoin cần vượt qua

Mặc dù Bitcoin đã có một chặng đường phát triển ấn tượng kể từ khi được tạo ra vào năm 2009, nhưng vẫn còn nhiều thách thức mà nó cần vượt qua để được công nhận.

Hiện tại về mặt kỹ thuật mạng lưới Bitcoin có thể xử lý một số lượng giao dịch hạn chế mỗi giây (3-7 giao dịch), điều này làm cho Bitcoin gặp khó khăn khi phải xử lý khối lượng giao dịch lớn. Để Bitcoin có thể đáp ứng nhu cầu cao trong tương lai, ngoài việc phát triển Lightning Network, còn có một số giải pháp khác cần được nghiên cứu và triển khai để cải thiện khả năng mở rộng và hiệu suất giao dịch của mạng

Dù blockchain của Bitcoin rất an toàn và khó bị tấn công, nhưng các ví và các dịch vụ bên ngoài vẫn có thể bị hack. Nếu một người sử dụng mất private key (khóa riêng) của họ, họ sẽ mất quyền truy cập vào Bitcoin của mình.

Nhưng điều quan trọng nhất là sự chấp nhận và khung pháp lý của các quốc gia phải thực sự rõ ràng, nên công nhanaj Bitcoin là phương tiện thanh toán hay là tài sản. Sự chấp thuận sẽ là chất xúc tác mạnh khiến Bitcoin có thể tiến xa về phía trước.

Các dự đoán về giá Bitcoin trong tương lai

Bitcoin có thể đạt 1 triệu USD không?

Câu hỏi này vẫn là một bí ẩn thú vị trong thế giới tiền mã hóa. Với cung hạn chế chỉ 21 triệu BTC, sự gia tăng nhu cầu từ các tổ chức lớn và các quốc gia, Bitcoin có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Mặc dù thị trường tiền mã hóa vẫn có nhiều biến động, nhưng càng ngày càng có nhiều cá nhân và tổ chức tin rằng Bitcoin sẽ trở thành một tài sản lưu trữ giá trị đáng tin cậy. Việc Bitcoin có đạt giá 1 triệu đô hay không rất khó trả lời – nhưng bạn thử đặt ngược một câu hỏi nếu 2012 mua BTC với giá 5$ thì bạn có lòng tin rằng Bitcoin sẽ tăng lên hơn 100,000$ vào đầu năm 2025 không?

Các mô hình dự đoán giá Bitcoin

Mô hình Stock-to-Flow (S2F).

Stock-to-Flow (S2F), đây là mô hình dự đoán giá trị của Bitcoin được xác định dựa trên độ khan hiếm – tương tự như vàng hoặc bạc được PlanB tạo ra. Bitcoin đặc biệt phù hợp với mô hình này vì nguồn cung cố định và tốc độ tạo ra BTC giảm dần theo thời gian.

Mô hình dựa trên chu kỳ halving, Bitcoin halving diễn ra khoảng mỗi 4 năm/lần, làm giảm một nửa phần thưởng cho thợ đào. Lịch sử cho thấy sau mỗi lần halving, giá BTC thường tăng mạnh sau đó khoảng 12–18 tháng.

Kết luận

Bitcoin không chỉ là một loại tiền số — đó là biểu tượng của một cuộc cách mạng công nghệ và tài chính. Từ ý tưởng của Satoshi Nakamoto đến mạng lưới phi tập trung toàn cầu, Bitcoin đã và đang thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về tài sản số.

Tương lai của Bitcoin vẫn đang được viết tiếp, nhưng nếu lịch sử là kim chỉ nam, thì chính niềm tin dài hạn và sự kiên định của những người tham gia sẽ là nền tảng đưa Bitcoin vượt qua sóng gió và khẳng định vai trò của nó.